11.4. Ứng dụng của tích phân bội 3

Tính khối lượng của vật thể không đồng chất

Khối lượng của vật thể $V$ trong không gian $Oxyz$ có khối lượng riêng tại điểm $M(x,y,z)$ là $\rho (x,y,z)$ được cho bởi công thức:  $${{m}_{V}}=\iiint\limits_{V}{\rho (x,y,z)dxdydz}$$

Ví dụ 1. Tính khối lượng của một hình trụ giới hạn bởi các mặt ${{x}^{2}}+{{y}^{2}}=1;z=0;z=1$, biết rằng khối lượng riêng tại mọi điểm của nó tỷ lệ với khoảng cách từ điểm đó tới mặt phẳng tọa độ $Oxy$.
Giải

Ta có, khối lượng riêng tại điểm $M(x,y,z)$ bất kỳ trong khối trụ là $\rho (x,y,z)=kz$ với $k$ là hệ số tỷ lệ.

Như vậy, $m=\iiint\limits_{V}{kzdxdydz}$ với $V$ là hình trụ giới hạn bởi các mặt ${{x}^{2}}+{{y}^{2}}=1;z=0;\text{ }z=1$.

Trong tọa độ trụ, miền $V$ được xác định bởi \(\begin{cases}0\le r\le 1 \\0\le \varphi \le 2\pi  \\0\le z\le 1 \\\end{cases}\)

Vậy, chuyển sang tọa độ trụ, ta có: \[m=\iiint\limits_{V}{kzdxdydz}=k\int\limits_{0}^{2\pi }{d\varphi }\int\limits_{0}^{1}{zdz}\int\limits_{0}^{1}{rdr}=k.2\pi \cdot \frac{1}{2}\cdot \frac{1}{2}=\frac{k\pi }{2}(đvkl)\]

Tính thể tích của vật thể

Thể tích của vật thể $V$ trong không gian $Oxyz$, được tính bởi công thức: $${{V}_{V}}=\iiint\limits_{V}{dxdydz}$$

Ví dụ 2. Tính  thể tích miền $V$ được giới hạn bởi các mặt sau: $x+y+z=-3,$ $x+y+z=3,$ $x+2y-z=-1,$ $x+2y-z=1,$ $x+4y+z=-2,$ $x+4y+z=2$.                     
Giải

Thể tích miền $V$ được cho bởi công thức: $V=\iiint\limits_{V}{dxdydz}$.

Thực hiện phép đổi biến \(\begin{cases}u=x+y+z \\v=x+2y-z \\w=x+4y+z \\\end{cases}\)

Xác định miền $V'$: $V'=\left\{ (u,v,w)\in {{\mathbb{R}}^{3}}|-3\le u\le 3;-1\le v\le 1;-2\le w\le 2 \right\}$

Dễ thấy phép đổi biến trên xác định một song ánh từ $V'$ lên $V$.

Ta có: \(J=\dfrac{D(u,v,w)}{D(x,y,z)}=\left| \begin{matrix}u{{'}_{x}} & u{{'}_{y}} & u{{'}_{z}}  \\v{{'}_{x}} & v{{'}_{y}} & v{{'}_{z}}  \\w{{'}_{x}} & w{{'}_{y}} & w{{'}_{z}}  \\\end{matrix} \right|=\left| \begin{matrix}1 & 1 & 1  \\1& 2 & -1 \\1& 4 & 1 \\\end{matrix} \right|=6\ne 0,\text{   }\forall (u,v,w)\in V'\)

Vậy: $$V=\iiint\limits_{V}{dxdydz}=\iiint\limits_{V'}\dfrac{1}{|J|}{dudvdw}=\dfrac{1}{6}\int\limits_{-3}^{3}{du}\int\limits_{-1}^{1}{dv}\int\limits_{-2}^{2}{dw}=8(đvtt).$$

Tìm tọa độ trọng tâm vật thể

Xét vật thể không đồng chất $V$ trong không gian $Oxyz$, có khối lượng riêng tại điểm $M(x,y,z)$ là $\rho (x,y,z)$, khi đó tọa độ trọng tâm $G$ của $V$ được cho bởi công thức: \[\begin{cases}{{x}_{G}}=\dfrac{1}{{{m}_{V}}}\iiint\limits_{V}{x\rho (x,y,z)dxdydz} \\{{y}_{G}}=\dfrac{1}{{{m}_{V}}}\iiint\limits_{V}{y\rho (x,y,z)dxdydz} \\{{z}_{G}}=\dfrac{1}{{{m}_{V}}}\iiint\limits_{V}{z\rho (x,y,z)dxdydz} \\\end{cases} \] với ${{m}_{V}}=\iiint\limits_{V}{\rho (x,y,z)dxdydz}$.

Nếu $V$ là khối đồng chất thì tọa độ trọng tâm $G$ của $V$ được cho bởi công thức: \[\begin{cases}{{x}_{G}}=\dfrac{1}{{{V}_{V}}}\iiint\limits_{V}{xdxdydz} \\{{y}_{G}}=\dfrac{1}{{{V}_{V}}}\iiint\limits_{V}{ydxdydz} \\{{z}_{G}}=\dfrac{1}{{{V}_{V}}}\iiint\limits_{V}{zdxdydz} \\\end{cases} \] với ${{V}_{V}}=\iiint\limits_{V}{dxdydz}$.

1161.11.4

by Site Owner -
Number of replies: 0

Thảo luận nội dung "Ứng dụng của tích phân bội 3"

Last modified: Thursday, 5 September 2024, 10:01 AM