8.4. Đạo hàm của hàm ẩn

Khái niệm hàm ẩn

Định nghĩa. Cho hệ thức liên hệ giữa 2 biến $x,\text{ }y$ có dạng: \[F(x,y)=0\tag{8.1}\label{hoa1}\]

Nếu với mỗi trị $x={{x}_{0}}$ trong một khoảng nào đó, có 1 hay nhiều trị xác định $y={{y}_{0}}$ sao cho $F({{x}_{0}},{{y}_{0}})=0$ thì ta nói hệ thức \eqref{hoa1} xác định một hay nhiều hàm ẩn $y$ theo $x$ trong khoảng ấy.

Tương tự

Hệ thức liên hệ giữa 3 biến $x,y,z$ có dạng: \[F(x,y,z)=0\tag{8.2}\label{hoa2}\] có thể xác định một hay nhiều hàm ẩn $z$ của 2 biến $x,\text{ }y$.

Hệ phương trình: \[\begin{cases}F(x,y,z,u,v)=0 \\G(x,y,z,u,v)=0 \\\end{cases} \tag{8.3}\label{hoa3}\] có thể xác định một hay nhiều cặp hàm ẩn $u,v$ của 3 biến $x,y,z$.

Ví dụ 1

Hệ thức ${{x}^{3}}+{{y}^{3}}-3=0$ xác định 1 hàm ẩn (dạng tường minh) trên $\mathbb{R}$ là $y=\sqrt[3]{3-{{x}^{3}}}$.

Hệ thức ${{x}^{2}}+{{y}^{2}}-4=0$ xác định 2 hàm ẩn (dạng tường minh) trên $\text{ }\!\![\!\!\text{ }-2,2]$ là $y=\pm \sqrt{4-{{x}^{2}}}$.             

Hệ thức ${{x}^{2}}+{{y}^{2}}+4=0$ không xác định 1 hàm ẩn nào.

Hệ thức ${{x}^{y}}-{{y}^{x}}=0\text{ }(x>0,y>0)$ không rút được $y$ theo $x$ (không tìm được biểu thức của hàm ẩn dưới dạng tường minh).

Các định lý (về sự tồn tại, liên tục và khả vi của các hàm ẩn)

Định lý 1. Giả sử $F({{x}_{0}},{{y}_{0}})=0$.

Nếu $F(x,y)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm ${{M}_{0}}({{x}_{0}},{{y}_{0}})$ và nếu $F{{'}_{y}}({{M}_{0}})\ne 0$ thì hệ thức \eqref{hoa1} xác định một hàm ẩn $y=f(x)$ trong một lân cận nào đó của ${{x}_{0}}$, hàm ấy có trị ${{y}_{0}}$ khi $x={{x}_{0}}$, nó liên tục và có đạo hàm liên tục trong lân cận của ${{x}_{0}}$.

Định lý 2. Giả sử $F({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}})=0$.

Nếu $F(x,y,z)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm ${{M}_{0}}({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}})$ và nếu $F{{'}_{z}}({{M}_{0}})\ne 0$ thì hệ thức \eqref{hoa2} xác định một hàm ẩn $z=f(x,y)$ trong một lân cận nào đó của điểm $({{x}_{0}},{{y}_{0}})$, hàm ấy có trị ${{z}_{0}}$ khi $x={{x}_{0}},y={{y}_{0}}$, nó liên tục và có các đạo hàm liên tục trong lân cận của điểm $({{x}_{0}},{{y}_{0}})$.

Định lý 3. Giả sử $F({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}},{{u}_{0}},{{v}_{0}})=0;\text{ }G({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}},{{u}_{0}},{{v}_{0}})=0$.

Nếu các hàm$F(x,y,z,u,v);\text{ }G(x,y,z,u,v)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm ${{M}_{0}}({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}},{{u}_{0}},{{v}_{0}})$ và nếu $\dfrac{D(F,G)}{D(u,v)}({{M}_{0}})\ne 0$ thì hệ phương trình \eqref{hoa3} xác định một cặp hàm ẩn $u=f(x,y,z);\text{ }v=g(x,y,z)$ trong một lân cận nào đó của điểm $({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}})$, các hàm ấy có trị ${{u}_{0}},\text{ }{{v}_{0}}$ khi $x={{x}_{0}},\text{ }y={{y}_{0}},\text{ }z={{z}_{0}}$; $u=f(x,y,z)$, $v=g(x,y,z)$ liên tục và có các đạo hàm riêng liên tục trong lân cận của $({{x}_{0}},{{y}_{0}},{{z}_{0}})$.

Công thức tính đạo hàm của hàm ẩn

Công thức 1

Giả sử các giả thiết của định lý 1 được thỏa mãn, khi ấy hệ thức \eqref{hoa1} xác định 1 hàm ẩn $y=f(x)$ liên tục và có đạo hàm liên tục trong 1 lân cận nào đó của ${{x}_{0}}$.

Ta có: $F(x,f(x))=0$

Lấy đạo hàm 2 vế đối với $x:$ $F{{'}_{x}}+F{{'}_{y}}\cdot \dfrac{dy}{dx}=0$

Vì $F{{'}_{y}}\ne 0$ nên $F{{'}_{x}}+F{{'}_{y}}\cdot \dfrac{dy}{dx}=0\Rightarrow \dfrac{dy}{dx}=-\dfrac{F{{'}_{x}}}{F{{'}_{y}}}$.

Ví dụ 2. Cho $F(x,y)={{x}^{3}}+{{y}^{3}}-3=0$ xác định là hàm ẩn của $x$. Tìm $\dfrac{dy}{dx}$.
Giải

Trước hết ta tìm $F{{'}_{x}};F{{'}_{y}}$: $F{{'}_{x}}=3{{x}^{2}};F{{'}_{y}}=3{{y}^{2}}$.

Sau đó ta thay vào công thức: $\dfrac{dy}{dx}=-\dfrac{F{{'}_{x}}}{F{{'}_{y}}}$ ta có $\dfrac{dy}{dx}=-\dfrac{{{x}^{2}}}{{{y}^{2}}}\text{  }(y\ne 0)$.

Công thức 2

Giả sử các giả thiết của định lý 2 được thỏa mãn, khi ấy hệ thức \eqref{hoa2}  xác định 1 hàm ẩn $z=f(x,y)$ liên tục và có các đạo hàm riêng liên tục trong 1 miền nào đó.

Ta có: $F(x,y,f(x,y))=0$               

Lấy đạo hàm 2 vế đối với $x$: $F{{'}_{x}}+F{{'}_{z}}\cdot z{{'}_{x}}=0$

Lấy đạo hàm 2 vế đối với $y$: $F{{'}_{y}}+F{{'}_{z}}\cdot z{{'}_{y}}=0$

Vậy, vì  $F{{'}_{z}}\ne 0$ nên $z{{'}_{x}}=-\dfrac{F{{'}_{x}}}{F{{'}_{z}}}$, $z{{'}_{y}}=-\dfrac{F{{'}_{y}}}{F{{'}_{z}}}$.

Ví dụ 3. Cho hệ thức ${{e}^{z}}+xy+{{z}^{3}}-2025=0$ xác định $z$ là hàm ẩn của $x,y$. Tìm $z{{'}_{x}};\text{ }z{{'}_{y}}$.
Giải

Trước hết ta đặt $F(x,y,z)={{e}^{3}}+xy+{{z}^{3}}-2025=0$

Tiếp theo, tìm $F{{'}_{x}};F{{'}_{y}};F{{'}_{z}}$: $F{{'}_{x}}=y;\text{ }F{{'}_{y}}=x;\text{ }F{{'}_{y}}={{e}^{z}}+3{{z}^{2}}$.

Sau đó ta thay vào các công thức: $z{{'}_{x}}=-\dfrac{F{{'}_{x}}}{F{{'}_{z}}}$, $z{{'}_{y}}=-\dfrac{F{{'}_{y}}}{F{{'}_{z}}}$

Ta có: $z{{'}_{x}}=-\dfrac{y}{{{e}^{z}}+3{{z}^{2}}}$, $z{{'}_{y}}=-\dfrac{x}{{{e}^{z}}+3{{z}^{2}}}$.

1161.8.4

by Site Owner -
Number of replies: 0

Thảo luận nội dung "Đạo hàm của hàm ẩn"

Last modified: Thursday, 5 September 2024, 9:58 AM