Chuỗi số có dấu bất kì

Xét chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\), các số hạng \(u_n\) có thể âm hoặc dương. Dãy các tổng riêng thứ \(n\) của nó chưa chắc là một dãy số tăng, vì vậy nếu dãy số ấy bị chặn trên không có nghĩa là tồn tại \(\underset{n\to \infty}{\lim }S_n\), nên chuỗi chưa chắc đã hội tụ. Thường khi gặp chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}u_n\) như vậy ta sẽ xét sự hội tụ của chuỗi số dương \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left|u_n \right|\).

Định lí 4.3.1: Nếu chuỗi số dương \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left|u_n\right|\) hội tụ thì chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) hội tụ.
Ví dụ 1: Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}\dfrac{\sin n}{n^2}\) có \(\left|\dfrac{\sin n}{n^2} \right|\le \dfrac{1}{n^2}\) và chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\dfrac{1}{n^2}\) là chuỗi Riemann hội tụ nên chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left| \dfrac{\sin n}{n^2}\right|\) hội tụ. Vậy chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\dfrac{\sin n}{n^2}\) hội tụ.
Định nghĩa 4.3.1: Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}u_n\) gọi là hội tụ tuyệt đối nếu \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}\left| u_n \right|\) hội tụ. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) gọi là bán hội tụ nếu chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) hội tụ nhưng \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left|u_n \right|\) phân kỳ.
Ví dụ 2: \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}\dfrac{\sin nx}{n^3}\) hội tụ tuyệt đối. Vì \(\left| \dfrac{\sin nx}{n^3} \right|=\dfrac{\left| \sin nx \right|}{n^3}\le \dfrac{1}{n^3},\) với mọi \(n\) mà chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\dfrac{1}{n^3}\) hội tụ. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{{\left( -1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n}\) là bán hội tụ. Vì \(\sum\left|{{\left(-1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n} \right|=\sum\dfrac{1}{n}\) phân kỳ nhưng \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{{{\left(-1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n}}\) hội tụ.
Chú ý:
  1. Điều kiện \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}\left| u_n\right|\) hội tụ là điều kiện đủ để \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) hội tụ chứ không phải là điều kiện cần. Có một chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) hội tụ, nhưng \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left| u_n \right|\) phân kỳ ví dụ như chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\dfrac{{\left( -1 \right)}^n}{n}\) hội tụ nhưng \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left| \dfrac{{\left(-1\right)}^n}{n} \right|\) phân kỳ. Ta sẽ chứng minh ở phần sau.
  2. Nếu dùng tiêu chuẩn Cauchy hay D’Alembert mà chứng minh được chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }\left| u_n \right|\) phân kỳ, khi đó \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) cũng phân kỳ vì \(u_n\nrightarrow 0\) khi \(n\to +\infty \).
Ví dụ 3: Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{\left(-1\right)}^n\dfrac{e^{n^2}}{n!}\) có \[\dfrac{\left|u_{n+1} \right|}{\left|u_n \right|}=\dfrac{e^{{(n+1)}^2}}{(n+1)!}.\dfrac{n!}{e^{n^2}}=\dfrac{1}{n+1}.e^{2n+1}\to+\infty.\]Do đó chuỗi đã cho phân kỳ.
Chuỗi đan dấu
Ví dụ 4: Những chuỗi sau là chuỗi đan dấu: \[1-\dfrac{1}{2}+\dfrac{1}{3}-\dfrac{1}{4}+\dfrac{1}{5}-\dfrac{1}{6}+\cdots =\sum\limits_{n=1}^{\infty }{{\left(-1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n},\] \[-\dfrac{1}{2}+\dfrac{2}{3}-\dfrac{3}{4}+\dfrac{4}{5}-\dfrac{5}{6}+\dfrac{6}{7}-\cdots =\sum\limits_{n=1}^{\infty} {{\left( -1 \right)}^n}\dfrac{n}{n+1}.\]

Trong ví dụ trên số hạng thứ \(n\) có dạng \(a_n={\left(-1 \right)}^{n-1}u_n\) hoặc \(a_n={\left( -1 \right)}^{n}u_n\) với \(u_n>0,\text{ với mọi } n\ge 1\). Như vậy chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) gọi là chuỗi đan dấu nếu \(u_{n}.u_{n+1}<0\), với mọi \(i\). Không mất tính tổng quát, ta kí hiệu \[\sum\limits_{n=1}^{\infty }{{\left( -1 \right)}^{n-1}}u_n=u_1-u_2+u_3-\cdots ,u_n>0 \text{ với mọi } n.\] 

Để xét sự hội tụ của chuỗi đan dấu ta sử dụng Định lý sau.

Định lí 4.3.2 (Tiêu chuẩn Leibnitz): Nếu dãy số dương \((u_n)_n\) giảm và \(u_n\to 0\) khi \(n\to\infty\) thì chuỗi đan dấu \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\left(-1 \right)}^{n-1}u_n\) hội tụ.
Chú ý:
  • Nếu chuỗi đan dấu \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\left( -1 \right)}^{n-1}{u_n}\) thỏa mãn tiêu chuẩn Leibnitz và hội tụ về \(S\) thì chuỗi \(-\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\left(-1 \right)}^{n-1}u_n\) hội tụ về \(-S.\) Như vậy nếu các giả thiết của Định lý 4.3.2 được thỏa mãn thì chuỗi đan dấu \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\left(-1 \right)}^{n-1}u_n\) hội tụ và có tổng \(S\) thỏa mãn \(\left|S\right|\le u_1\).
  • Nếu chuỗi đan dấu thỏa tiêu chuẩn Leibnitz thì chuỗi phần dư thứ \(n\) cũng hội tụ theo Định lý 4.3.2, khi đó \(\left| r_n \right|\le u_{n+1}\). Theo tiêu chuẩn Leibnitz thì chuỗi đan dấu hội tụ nhưng không rõ \(S\) bằng bao nhiêu nên ta nảy sinh vấn đề ước lượng tổng \(S\). Ứng với \(S\approx {{S}_{n}}\) có sai số tuyệt đối là \(\left| S-S_n \right|=\left| r_n \right|\le u_{n+1}\).
Ví dụ:Trở lại chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{\left(-1 \right)}^{n-1}\dfrac{1}{n}.\) Nếu xem \[S\approx S_5=1-\dfrac{1}{2}+\frac{1}{3}-\dfrac{1}{4}+\dfrac{1}{5}\approx 0,5+0,33-0,25+0,2\approx 0,78.\] Mà sai số tuyệt đối ở trường hợp này là \(\left| S-S_5 \right|=\left| r_n \right|\le u_6=\dfrac{1}{6}\approx 0,167.\) Để giá trị gần đúng \(S_{n}\) chính xác đến \(\delta \) ta phải chọn \(n\) sao cho \(\left| r_5 \right|\le u_6\le \delta.\) Chẳng hạn \(\delta =0,001\), \(n\) phải thỏa \(\dfrac{1}{n+1}\le \dfrac{1}{1000}\Leftrightarrow n+1\le 1000\Leftrightarrow n\ge 999.\) Vậy \(n\) tối thiểu là 999.

1161.4.3

by Site Owner -
Number of replies: 0

Thảo luận nội dung "Chuỗi số có dấu bất kỳ"

Last modified: Thursday, 5 September 2024, 9:13 AM