Khái niệm chuỗi số

Định nghĩa: Cho dãy số thực \(\left(u_n\right)_{n\in\mathbb N}, u_n\in\mathbb{R}\). Tổng vô hạn \[u_1+u_2+\cdots u_n+\cdots\] được gọi là một chuỗi số, kí hiệu \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}u_n\). Trong đó \(u_n\) là số hạng thứ \(n\) (hay số hạng tổng quát) của chuỗi.

Chẳng hạn

  1. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{{{\left( -1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n}}=1-\dfrac{1}{2}+\dfrac{1}{3}-\cdots +{{\left( -1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n}+\cdots \) có số hạng tổng quát là \({{\left( -1 \right)}^{n-1}}\dfrac{1}{n}\).
  2. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{a.{{q}^{n-1}}=a+aq+a{{q}^{2}}+\cdots +a{{q}^{n}}+\cdots }\) (\(a\) là hằng số) gọi là chuỗi cấp số nhân với công bội là \(q\).
  3. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\dfrac{1}{n}}=1+\dfrac{1}{2}+\cdots +\dfrac{1}{n}+\cdots \) gọi là chuỗi điều hòa.
  4. Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\dfrac{1}{{{n}^{\alpha }}}=1+\dfrac{1}{{{2}^{\alpha }}}+\dfrac{1}{{{3}^{\alpha }}}+\cdots +\dfrac{1}{{{n}^{\alpha }}}+\cdots }\) gọi là chuỗi Riemann với tham số \(\alpha\).
a) Chuỗi hội tụ, phân kì

Cho chuỗi số \(\sum\limits_{i=1}^{\infty}u_i\). Với mỗi \(n\) ta đặt \[S_n=u_1+u_2+\cdots +u_n=\sum\limits_{i=1}^{n}u_i,\] như vậy ta được một dãy mới \({{\left( S_n \right)}_{n\in\mathbb N}}\) gọi là dãy các tổng riêng.

+ Nếu dãy này hội tụ về một giá trị \(S\) ta nói chuỗi số \(\sum\limits_{i=1}^{\infty}u_i\) hội tụ, \(S\) là tổng của chuỗi và viết \[S=\sum_{i=1}^{\infty}u_i=\underset{n\to +\infty }{\mathop{\lim }}\,{\sum_{i=1}^{n}u_i}.\]

+ Nếu dãy \({\left(S_n\right)}_{n\in\mathbb N}\) không hội tụ ta nói chuỗi \(\sum\limits_{i=1}^{\infty}{{{u}_{i}}}\) phân kỳ.

b) Phần dư thứ \(n\)

Nếu chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\) hội tụ về \(S\) thì hiệu \(S-S_n\) được gọi là phần dư thứ \(n\) của chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n\), kí hiệu là \({R}_{n}\).

Như vậy, nếu chuỗi số hội tụ thì \({{R}_{n}}\xrightarrow{n\to +\infty }0\).

Dưới dạng ngôn ngữ “\(\epsilon-N\)”, ta có \[\sum\limits_{n=1}^{\infty }u_n \text{ hội tụ } \Leftrightarrow \forall \epsilon >0,\exists N:n>N\Rightarrow \left| S-S_n \right|<\epsilon\Leftrightarrow \forall \epsilon >0,\exists N:n>N\Rightarrow \left| R_n \right|<\epsilon.\]

Ví dụ 1: Chuỗi \(\sum\limits_{i=0}^{\infty }q^i=1+q+\cdots +q^i+\cdots \) (tổng cấp số nhân vô hạn). Khi đó tổng riêng \(S_n=1+q+q^2+\cdots +q^n\). Xét các trường hợp sau
  • \(q\ne 1\)
    Ta có \(S_n=\dfrac{1-q^{n+1}}{1-q}\), suy ra \[\underset{n\rightarrow +\infty}{\lim}S_n = \begin{cases}
    +\infty &\text{ với } |q|>1,\\
    \dfrac{1}{1-q}&\text{với } |q|<1.
    \end{cases}\]
  • \(q=1\)
    Ta có \(S_n=1+1+\cdots +1=n\). Do đó \(\underset{n\to \infty }{\mathop{\lim }}\,{{S}_{n}}=+\infty\).
  • \(q=-1\)
    Ta có \[S_n=1-1+1-\cdots=\begin{cases}
    1&\text{ nếu }n=2k+1,\\
    0&\text{nếu }n=2k.
    \end{cases}\] Do đó không tồn tại \(\underset{n\rightarrow +\infty}{\lim}S_n\).
    Vậy chuỗi \(\sum\limits_{n=0}^{\infty}q^n\) hội tụ nếu \(|q|<1\), phân kì nếu \(|q|\ge 1\).

Chuỗi \(\sum\limits_{i=0}^{\infty }q^i=1+q+\cdots +q^i+\cdots \) còn được gọi là chuỗi hình học.

Ví dụ 2: Chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\dfrac{1}{n(n+1)}}\) có
\begin{align*}
{{S}_{n}}&=\dfrac{1}{1.2}+\dfrac{1}{2.3}+\dfrac{1}{3.4}+\ldots +\dfrac{1}{n(n+1)}=\left( 1-\dfrac{1}{2} \right)+\left( \dfrac{1}{2}-\dfrac{1}{3} \right)+\left( \dfrac{1}{3}-\dfrac{1}{4} \right)+\ldots +\left( \dfrac{1}{n}-\dfrac{1}{n+1} \right) \\
& =1-\dfrac{1}{n+1}.
\end{align*} Và \(\lim\limits_{n\to+\infty}S_n=1\) nên chuỗi số đã cho hội tụ và có tổng bằng \(1\).
Ví dụ 3: Chứng minh rằng chuỗi điều hòa \(\sum\limits_{n=1}^{\infty }{\dfrac{1}{n}}\) phân kì.

Ta xét các tổng riêng như sau
\begin{align*}
{{S}_{2}}&=1+\dfrac{1}{2},\\
{{S}_{4}}&=1+\frac{1}{2}+\frac{1}{3}+\frac{1}{4}>1+\frac{1}{2}+\frac{1}{4}+\frac{1}{4}=1+\frac{2}{2},\\
{{S}_{8}}&=1+\frac{1}{2}+\frac{1}{3}+\frac{1}{4}+\left( \frac{1}{5}+\frac{1}{6}+\frac{1}{7}+\frac{1}{8} \right)>1+\frac{1}{2}+\left( \frac{1}{4}+\frac{1}{4} \right)+\left( \frac{1}{8}+\frac{1}{8}+\frac{1}{8}+\frac{1}{8} \right) \\
&=1+\frac{1}{2}+\frac{1}{2}+\frac{1}{2}=1+\frac{3}{2}, \\
{{S}_{16}}&=1+\frac{1}{2}+\left( \frac{1}{3}+\frac{1}{4} \right)+\left( \frac{1}{5}+\ldots +\frac{1}{8} \right)+\left( \frac{1}{9}+\ldots +\frac{1}{16} \right) \\
&>1+\frac{1}{2}+\left( \frac{1}{4}+\frac{1}{4} \right)+\left( \frac{1}{8}+\ldots +\frac{1}{8} \right)+\left( \frac{1}{16}+\ldots +\frac{1}{16} \right) \\
&=1+\frac{1}{2}+\frac{1}{2}+\frac{1}{2}+\frac{1}{2}=1+\frac{4}{2}.
\end{align*}

Tương tự, \({{S}_{32}}>1+\dfrac{5}{2},\text{ }{{S}_{64}}>1+\dfrac{6}{2},\ldots\)

Một cách tổng quát, ta được \({{S}_{2n}}>1+\dfrac{n}{2}\) nên \(S_{2n}\xrightarrow{n\to +\infty }+\infty \). Do đó chuỗi điều hòa phân kì.

Tiêu chuẩn Cauchy về sự hội tụ
Định lý: Chuỗi số \(\sum\limits_{i=1}^{\infty }u_i\) hội tụ khi và chỉ khi \[\forall \epsilon >,\exists N\in\mathbb{N},\forall p>q\ge N\Rightarrow \left| {{S}_{p}}-{{S}_{q}} \right|<\epsilon.\]
Chú ý: Dùng tiêu chuẩn Cauchy để chứng minh chuỗi điều hòa ở Ví dụ 3 phân kì.

Chọn \(\epsilon =1/3\), khi đó \(\forall N\in\mathbb N,\exists p(=2N)>q(=N)\ge N\) sao cho
\[\left| {{S}_{p}}-{{S}_{q}} \right|=\left| {{S}_{2N}}-{{S}_{N}} \right|=\frac{1}{N+1}+\frac{1}{N+2}+\ldots +\frac{1}{2N}>\frac{1}{2N}+\frac{1}{2N}+\ldots +\frac{1}{2N}=\frac{1}{2}>\frac{1}{3}=\epsilon.\]

Ví dụ 4: Chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{\dfrac{1}{n^2}}\) hội tụ.

Thật vậy, với mọi \(\epsilon >0\) ta chọn \(N\) đủ lớn sao cho \(\dfrac{1}{N} <\epsilon\). Lúc đó, với mọi \(p>q>N\) ta có \[\sum\limits_{i=q+1}^{p}\frac{1}{i^2}\le \frac{1}{q(q+1)}+\cdots +\frac{1}{(p-1)p}=\frac{1}{q}-\frac{1}{p}<\frac{1}{N}<\epsilon.\] Vậy chuỗi đã cho thỏa mãn tiêu chuẩn Cauchy nên hội tụ.

Điều kiện ắt có của chuỗi số hội tụ
Định lý: Nếu chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}u_n\) hội tụ thì \(\underset{n\to +\infty }{\mathop{\lim }}\,u_n=0.\)

Chú ý rằng điều ngược lại chưa chắc đúng vì chuỗi điều hòa \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{\dfrac{1}{n}}\) phân kì nhưng có \(\lim\limits_{n\to+\infty} \dfrac{1}{n}=0\).

Hệ quả: Nếu \(\underset{n\to +\infty }{\mathop{\lim {{u}_{n}}}}\,\) không tồn tại hoặc nếu \(\underset{n\to \infty }{\mathop{\lim {{u}_{n}}}}\,\ne 0\) thì chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{{{u}_{n}}}\) phân kì.
Tính chất của một chuỗi số hội tụ

Tính chất 1: Nếu chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty} u_n\) hội tụ và có tổng là \(S\), chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}{{{v}_{n}}}\) hội tụ và có tổng là \(S'\) thì các chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^{\infty}\left( {u_n}\pm {v_n} \right)\) cũng hội tụ và có tổng là \(S\pm S'.\)

Tính chất 2: Nếu chuỗi \(\sum\limits_{n=1}^\infty u_n\) hội tụ và có tổng là \(S\) thì chuỗi số \(\sum\limits_{n=1}^\infty ku_n\) cũng hội tụ và có tổng là \(kS\).

Tính chất 3: Tính hội tụ của chuỗi không thay đổi nếu ta thêm vào hay bớt đi một số hữu hạn số hạng.

1161.4.1

by Site Owner -
Number of replies: 0

Thảo luận nội dung "Khái niệm chuỗi số"

Last modified: Thursday, 5 September 2024, 9:12 AM